Tại sao phong trào Đông Du


Hồi nhỏ, học lịch sử về phong trào Đông Du với những nhân vật Phan Bội Châu, Cường Để khiến mình mù tịt. Ở trường Việt ANh có dạy Nhật ngữ nên mình bò đi học vì thấy anh Vui, con bác Cháu đi du học bên Nhật Bản nên bò đi học Arigato, sê-ku-ra này nọ nhưng rồi cũng Chán Mớ Đời. Chỉ nhớ mại mại là đầu thế kỷ 20, hải quân Nhật Bản đã đánh thắng lần đầu tiên hải quân người da trắng nên các chí sĩ Việt Nam, thức tĩnh, chạy qua Nhật Bản học hỏi, tạo ra phong trào đông du thay vì Tây Du như ông Phan Chu Trinh đề xướng.

Dạo mình ở Lausanne, Thuỵ Sĩ có theo học chương trình về phát triển đệ tam thế giới. Để ra trường mình có nghiên cứu sự phát triển dưới Minh Trị Thiên Hoàng, để xem có cách nào hay giúp Việt Nam phát triển sau này.


Năm 1904, cả thế giới đều tưởng các các đế quốc tây phương là bất khả chiến bại, sử dụng kỹ thuật và súng đạn, để khống chế thế giới thành lập các thuộc địa của họ. Ảo tưởng này bị dập tắt bởi Nhật Bản, một quốc gia khép kín, đã hạ nhục đế quốc Nga trong một cuộc chiến tranh tàn khốc. Đó là lần đầu tiên một quốc gia á châu đã đánh bại một cường quốc Tây Phương trong lịch sử cận đại.

Khi xưa, ông thầy dạy lịch sử chỉ nói vậy thôi chớ chả cho biết lý do. Mình có hỏi nhưng thầy làm ngơ, không trả lời. Bạn bè kêu mình hỏi vô duyên.

Bản đồ Mãn châu cho thấy có nhiều hầm mõ và khoáng sản


 Tại sao Nga Hoàng và Nhật Bản đánh nhau. Lý do chính, họ muốn làm chủ, bá quyền Mãn Châu và Triều Tiên. Nga Hoàng cho là họ có quyền cai trị phía đông vì tây hay Anh quốc chiếm khá nhiều thuộc địa nên sa hoàng cũng phải có thuộc địa cho oai. Trong khi Nhật Bản phát triển nhanh chóng và xem Nga hoàng là mối đe doạ vì vùng Mãn Châu có nhiều hầm mõ, khoáng sản. Là sự nguy hại cho sự sinh tồn của họ. Ngoại giao qua lại không đưa đến đâu.

Ngày 8 tháng 2, năm 1904, một cách bất lịch sự, người Nhật không báo trước Nga Hoàng như sau này ở Trân Châu Cảng, tấn công bất ngờ hải quân nga hoàng tại hải cảng Arthur (ngày nay là Lushunkou, Trung Cộng). Rất nhiều thuyền của Nga hoàng bị tan nát không kịp rời hải cảng. Hải cảng Arthur của Nga Hoàng là hải cảng quan trọng nhất nằm về Thái BÌnh Dương. người Nhật bao vây hải cảng này và pháo kích liên hồi gần một năm trời đến ngày 2 tháng giêng, 1905, lính nga hoàng đầu hàng sau khi thiệt hại trên 10,000 binh sĩ.

Trong khi bao vây hải cảng Arthur, người Nhật  và lính nga hoàng choảng nhau ở Mãn Châu. Trận đánh sông Yalu gần 3 tuần lễ, có sự tham gia trên 600,000 lính hai bên, được xem là trận chiến có nhiều binh sĩ nhiều nhất. Cuối cùng quân đội Nhật Bản đánh lính nga hoàng chạy có cờ, hơn 100,000 binh sĩ chết, máu chảy thành sông. Nên nhớ vùng Đông của đế quốc nga hoàng có rất ít người vì người nga tự xem mình là thuộc về âu châu. Nga hoàng cho hạm đội vùng biển Baltic của họ di chuyển 18,000 dặm, vong quanh thế giới để giúp sức hải quân ở ở Thái BÌnh Dương. Đi  xa 18,000 dặm, họ thiếu lương thực, than và đồ tiếp tế. Khi họ đến Thái Bình Dương thì lọt bẩy người Nhật dưới sự chỉ huy của đô đốc Togo Heihachiro.

Bản đồ chỉ hải quân sa hoàng phải di chuyển 18,000 dặm đến Thái Bình dương bị hải quân Nhật Bản chận đánh thua non

Trong vòng 2 ngày, hải quân Nhật Bản đã đánh chìm 31 tàu chiến trong số 38 tàu chiến của hải quân Nga hOàng. Đó là lần đầu tiên một nước á châu đã xoá sạch một cường quốc âu châu. Quân đội nga hoàng không còn lựa chọn ngoài đầu hàng. Nhật Bản đánh tan quân đội nga hoàng tại Mãn Châu và hải quân nga hoàng trên Thái Bình Dương. Hoà ước được ký kết tại Portsmouth và ngày 5 tháng 9, năm 1905 dưới sự chứng kiến của tổng thống Hoa Kỳ Theodore Roosevelt. Nga hoàng chấp nhận Triều Tiên thuộc về ảnh hưởng Nhật Bản, giao hải cảng Arthur, và phía nam của đảo Sakhalin cho Nhật Bản. Xem như sự bành trướng của đế quốc Nga Hoàng về phái đông bị ngưng lại.

Vấn đề là hoà ước được ký kết nhưng mấy ông người Nhật cảm thấy thua thiệt vì cũng tổn thất khá nhiều. Họ nghĩ họ có quyền được nhiều hơn nên mới có giấc mơ bành trướng ở á châu như chiếm đóng trung hoa và các nước đông nam á.

Sự đại bại tạo lên một sự hỗn loạn tại Nga, người dân biểu tình tại Saint Petersburg, bị lính sa hoàng bắn chết hàng trăm người. Đình công, bạo loạn nổi lên khắp nơi của đế chế. Và đưa đến cuộc cách mạng Bolschevik năm 1917. (Còn tiếp).


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 

Giai đoạn cuối của chủ nghĩa tân thực dân

 Giai đoạn cuối của chủ nghĩa tân thực dân


Mấy hôm rày thiên hạ bàn tán, chửi bới đủ trò về vụ chính phủ Trump muốn kết thúc chiến tranh Ukraine khiến mình nhớ đến Việt Nam Cộng Hoà ở hiệp định Paris. Khi ông Thiệu được tin qua điệp viên X92, cho biết Hoa Kỳ và Hà Nội thoả thuận không màn đến sự sống chết của Việt Nam Cộng Hoà. Tương tự ngoại trưởng Trần Văn Đổ, có kể là khi hiệp định Geneva thì nhóm ông Phạm Văn Đồng có liên lạc, kêu họ ( những người đại diện cho Hoa Kỳ, pháp, Trung Cộng và Liên Xô đã đồng ý chia đôi đất nước, không tham khảo các phái đoàn người Việt tham dự). Việt Nam được chia đôi tại vỹ tuyến 17, khơi khơi mà người Việt chả có ý kiến gì cả. Ngày nay, chúng ta đang chứng kiến cảnh Việt Nam Cộng Hoà phiên bản thứ 102.0. Đúng 50 năm sau.

Khi chúng ta là nước nhược tiểu thì không có quyền gì cả. Người Mỹ đến Việt Nam kêu chủ nghĩa tự do, nền dân chủ là tốt trong khi Liên Xô kêu xã hội chủ nghĩa là tốt. Trí thức Việt Nam tin tưởng vào các lý thuyết trên để canh tân đất nước, chia ra hai phe đánh nhau dùm cho ngoại bang. Tương tự ngày nay, phe ủng hộ Trump và phe chống đối Trump. Chúng ta người Việt, bị ảnh hưởng của người ngoại quốc, rồi choảng nhau khơi khơi. Là công dân mỹ thì mình thấy đúng, tại sao đóng thuế để giúp thiên hạ đánh nhau ở xứ xa xôi, còn đứng trên phương diện người Việt xưa, thì sẽ trách móc người Mỹ tại sao kêu tôi đánh cho tự do rồi không viện trợ nữa. Mà viện trợ đa số là súng ống.


Đến khi Trung Cộng bắt tay vối Hoa Kỳ, để mua coca cola cho người Tàu uống và ăn Hamburger, người Mỹ phủi tay miền Nam. Mình có quen vài người bạn, họ cho biết là đã sang Hoa Kỳ từ năm 1973, sau hiệp định Paris, gia đình họ được người Mỹ cho phép ra đi trước. Bố mẹ họ làm việc cho những chương trình của người Mỹ tại Việt Nam. Họ đi trước những ngày Việt Nam Cộng Hoà sụp đỗ.


Mình nghe cậu mình làm quan sát viên cho máy bay bà già, theo dõi đâu có quân Việt Cộng để thả ống khói cho phản lực cơ oanh tạc, kể là sau hiệp định Paris thì mỹ bớt viện trợ nên có máy bay nhưng không có xăng dầu để bay, thì chỉ có thua thôi.


Mình có kể nhiều vụ về chủ nghĩa tân thực dân mà người tây phương sử dụng sau thế chiến thứ 2. Thay vì đóng quân tại thuộc địa, phải ngày đêm đánh nhau với người bản địa muốn được độc lập, được dấy lên khắp nơi. Họ trao trả lại độc lập cho các nước này và tìm cách lũng đoạn nến chính trị tại các thuộc địa cũ bằng cách mua chuộc hay giúp những người dễ bảo lên cầm quyền.

Cựu tổng thống Ghana Kwame Nkrumah bị lật đỗ bởi CIA vì có ý chốgn lại tân thực dân

Có cuốn sách của ông Kwame Nkrumah, cựu tổng thống của xứ Ghana, Phi Châu “Chủ nghĩa Tân Thực Dân: Giai Đoạn Cuối Cùng của Chủ Nghĩa Đế Quốc” khá hay. Ông này thi rớt vào đại học Luân Đôn, Anh quốc nên chạy qua Hoa Kỳ, ghi danh vào đại học Lincoln. Sau trở nước, bắt đầu tham gia vào chính trị, thành lập đảng và kêu gọi Anh quốc trả lại độc lập cho xứ ông ta. Ghana được xem là quốc gia phi châu đầu tiên được Anh quốc trao trả lại nền độc lập. Nếu ông ta đậu vào trường đại học Luân Đôn, thì về nước chắc là ủng hộ Anh quốc đến hơi thở cuối cùng. Tương tự nếu ông Võ Nguyên Giáp được học bổng đi Tây thì có lẻ lịch sử Việt Nam ở thế kỷ 20 có kết cuộc khác.


Có một tổng thống phi châu tuyên bố; tôi cho sinh viên xứ tôi du học ở Liên Xô, khi về nước, họ sẽ không muốn trở thành người cộng sản nhưng nếu cho du học ở Paris thì chắc chắn họ sẽ trở thành người cộng sản. Do đó khi mình ở Pháp, người Việt mà Hà Nội gọi Việt kiều yêu nước rất đông vì họ sống trong môi trường thiên cộng nên sớm muộn gì cũng thân cộng. Tương tự ngày này sống ở mỹ, có người theo đảng Dân Chủ và có người theo Cộng Hoà. Nên choảng nhau mệt thở. Mình mới hiểu trong chiến tranh Việt Nam, tại sao người Việt giết nhau một cách dã man như chôn sống tại Huế năm Mậu Thân.


Ông Kwame Khrumah tốt nghiệp đại học tại Hoa Kỳ trong thời gian có sự kỳ thị, người da đen và người da trắng không chung đụng, nên trở về nước, trở thành một người chống da trắng. Đúng hơn là một người hiểu chút gì về người da trắng vì được tiếp cận tại Hoa Kỳ. Ông ta muốn độc lập và phát triển xứ ông ta.


Ngày nay, cuốn sách của ông ta vẫn mang tính thời sự cao, vì nhiều cơ chế mà ông mô tả vẫn đang ảnh hưởng đến kinh tế và chính trị toàn cầu. Dưới đây là phân tích sâu hơn về một số chủ đề chính. Mình xin tóm tắc lại đây:


1. Sự phụ thuộc kinh tế: Ảo tưởng về độc lập


Sau khi giành được độc lập, nhiều quốc gia châu Phi vẫn bị ràng buộc về kinh tế với các cường quốc thực dân cũ. Trường hợp Ấn Độ, khi xưa người dân gồm nhiều loại bộ tộc, tôn giáo sống chung hoà bình. Trước khi trao trả độc lập người Anh quốc chơi khăm, khiến xứ này chia đôi thành hai nước, đánh nhau từ đó đến giờ. Lâu lâu coi phim ấn độ mới khám phá ra mấy vụ như đánh bom ở Mumbai, này nọ. Thay vì kiểm soát chính trị trực tiếp, các nước phương Tây duy trì quyền thống trị qua:


    Các hiệp định thương mại bất công – Các quốc gia châu Phi tiếp tục xuất khẩu nguyên liệu thô (như dầu, khoáng sản, cacao) với giá rẻ nhưng phải nhập khẩu hàng hóa sản xuất từ phương Tây với giá cao. Điều này làm suy yếu nền kinh tế châu Phi. Nếu chúng ta xem thì người tây phương mua cacao của phi châu rẻ, rồi làm cacao, hay chocolat, bỏ hộp rồi bán với giá đắt cho người phi châu. Về Việt Nam, mình thấy họ trồng cacao và làm chocolat, phẩm chất cũng như đóng gói không thua gì thuỵ sĩ. Đó là điểm tốt, hy vọng sẽ bán được giá cao cho thế giới thay vì bán cà phê rẻ để mỹ, tây đóng gói bán lại cho Việt Nam. Vụ này người Việt cần những người biết bán hàng cho người ngoại quốc, thay vì chỉ bán cho Trung Cộng. Mình nghe nói cà phê của dãy cà phê nổi tiếng ở Việt Nam, chỉ có 1% cà phê còn là hoá chất.


 Ai buồn đời tìm đọc mấy bài mình kể về sát thủ kinh tế và các cuộc ám sát các nguyên thủ quốc gia khơi khơi nếu không nghe lời. Ông tổng thống Panama cũ muốn sử dụng con kênh để làm dân giàu nước mạnh thì khơi khơi máy bay bị rớt. Nên khi ngoại trưởng Rubio đến thăm, là ông tổng thống xứ này tuyên bố rút ra chương trình Vành Đai và Con Đường vì không muốn máy bay rớt nữa.


    Các tập đoàn đa quốc gia (MNCs) – Các công ty từ Mỹ, châu Âu và Trung Quốc kiểm soát các ngành công nghiệp quan trọng như khai thác mỏ, dầu mỏ và nông nghiệp, thu lợi nhuận mà không tái đầu tư vào phát triển địa phương.


    Kiểm soát tiền tệ – Các thuộc địa cũ của Pháp vẫn sử dụng đồng franc CFA, một loại tiền tệ do Pháp kiểm soát, hạn chế sự độc lập kinh tế của họ. Tương tự ngày nay mua bán trên thế giới đều bắt buộc dùng Mỹ Kim. 


Ví dụ hiện đại:

Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC) rất giàu khoáng sản như cobalt (dùng trong điện thoại thông minh và xe điện), nhưng vẫn là một trong những nước nghèo nhất thế giới do sự kiểm soát của các công ty nước ngoài. Hay Ukraine được xem là vựa lúa của Liên Xô, nay họ khám phá ra có nhiều khoáng sản hiếm mà công ty Monsanto (chủ là Bayer Đức quốc) đã mua đất đai rất nhiều. Nga sợ NATO chiếm nên nhảy vào tấn công khiến NATO phải tiếp viện. Lừng khừng hơn 3 năm nay chưa đi đến đâu. Nên Hoa Kỳ ngày nay muốn trao đổi, tui đưa anh vũ khí thì ký giấy tờ, sau này cho tôi khai thác khoáng sản. Các anh tây âu châu sợ mất phần vì bỏ tiền cũng khá nhiều nên họp khẩn cấp, tìm cách kéo dài chiến tranh khiến thủ tướng Anh quốc đòi đem quân qua Ukraine này nọ. Vụ này còn kéo dài vì âu châu sẽ tìm cách đòi chia chác. Chớ chả có dân chủ tự do gì cả. Truyền thông rao giảng này nọ chớ chủ yếu là kháong sản làm giàu.

IMF và Ngân hàng Thế giới áp đặt các chương trình điều chỉnh cơ cấu (SAPs) buộc các chính phủ châu Phi phải cắt giảm dịch vụ xã hội và tư nhân hóa các ngành công nghiệp, mang lại lợi ích cho các nhà đầu tư phương Tây thay vì người dân địa phương.

Điển hình vụ thủ tướng Ba Tư Mosadegh quốc hữu hoá các giếng dầu của British Petrolum, để dùng tiền bán dầu hoả canh tân đất nước, là bị CIA lật đỗ ngay, thế vào ông Shah, tha hồ mà sử dụng. Nay mấy ông ayatollah đem bán nên bị cấm vận. Họ làm vậy để lấy lại quyền kiểm soát các giếng dầu Ba Tư chớ chả có gì cả.



2. Viện trợ nước ngoài: Công cụ kiểm soát chính trị


Nkrumah lập luận rằng viện trợ nước ngoài thường là một công cụ giả tạo. Thay vì thực sự giúp châu Phi phát triển, viện trợ thường có lợi cho các nước viện trợ bằng cách:

Tạo ra sự phụ thuộc vào nợ – Các khoản vay phải được trả lại với lãi suất cao, khiến các quốc gia mắc kẹt trong bẫy tài chính.

Áp đặt điều kiện chính sách – Các chính phủ châu Phi phải tuân theo các chính sách kinh tế có lợi cho các tập đoàn phương Tây (như tư nhân hóa và giảm thuế quan).

Thúc đẩy lòng trung thành chính trị – Các nước châu Phi ủng hộ phương Tây thường nhận được nhiều viện trợ hơn, trong khi những nước phản đối có thể bị trừng phạt hoặc cấm vận.


Điển hình ở Châu Mỹ La tinh hay á châu, phi châu. Tây phương cho các sát thủ kinh tế đến các quốc gia mới dành lại độc lập. Họ đưa ra các dự án kiến thiết như xây dựng một cái đập thuỷ điện, để cung cấp điện cho người dân. Các tên lãnh đạo bù nhìn thấy hay thêm được tiền mấy chục phần trăm lại quả. Thế là ký giấy tờ nhưng phải vay mượn của IMF hay Ngân Hàng Thế Giới. Họ kêu không tin tưởng người bản địa nên phải sử dụng các công ty của tây phương. Thế là phải trả giá cao cho người Mỹ hay người Pháp đến làm việc, giá gấp mấy chục lần kỹ sư bản địa. Lãnh đạo bỏ túi, đàn em cũng lấy nên phải đội vốn. Nhớ khi xưa, các chương trình viện trợ cho Việt Nam Cộng Hoà, thường là các công trình đều được hãng RMK của Hoa Kỳ thực hiện, cho nên tiền không vào Việt Nam. Họ chỉ mướn cu li người Việt dọn rác này nọ. Chớ nếu được cho kỹ sư Việt Nam thì vẫn thực hiện được. Thêm rẻ và tiền dư sẽ dùng vào những việc khác nhưng nói cho cùng thì cũng có tham nhũng khi xưa.


Trường hợp như Kinh Suez, mình có dịp viếng 2 năm trước đây. Ông Nasser cướp chính quyền, lật đỗ ông vua, muốn xây dựng một cái đập thuỷ điện nhưng Hoa Kỳ cho giá cao nên ông Liên Xô đến kêu tao làm rẻ hơn, chỉ lấy thóc thay vì trả tiền lời bằng mỹ kim. Thế là cái đập được xây dựng bởi kỹ sư Liên Xô, có thêm cái đài chiến thắng hữu nghị gì đó.


Vấn đề là con sông Nile từ mấy ngàn năm qua, đem phù sa từ châu phi ở miền nam chảy về ai cập, và đỗ ra Địa Trung Hải, làm giàu đất đai nên khi họ trồng lúa hay cây trái là hái thoải mái làm giàu cho xứ sở và người dân như kiểu miền Nam Việt Nam khi xưa, phù sa sông Cửu Long chảy về bồi đắp hàng năm, cá lúa khắp nơi, giàu có. Nay Trung Cộng cho xây những đập thuỷ điện ở thượng nguồn với Ai Lao,.. hình như Việt Nam cũng nhảy vào xây thuỷ điện thế là chận phù sa về đồng bằng sông Cửu Long. Thế là ngọng. Cuộc cách mạng của ông Nasser đem lại hậu quả tai hại cho xứ sở ông ta. Nghe người ai cập chửi lãnh tụ mệt thở. Ngày nay, người ai cập phải mua phân bón hoá chất để làm ruộng nên không giàu có như xưa lại gây nhiễm môi trường. Chán Mớ Đời 


Ví dụ hiện đại:

Gói cứu trợ IMF của Ghana (2022) – Ghana chấp nhận một khoản vay từ IMF nhưng phải cắt giảm trợ cấp và việc làm trong khu vực công, làm tăng khó khăn kinh tế cho người dân.

Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc – Trung Quốc cung cấp các khoản vay cho cơ sở hạ tầng, nhưng nếu các quốc gia châu Phi không thể trả nợ, Trung Quốc có thể tiếp quản các tài sản quan trọng như cảng và đường sắt, gây lo ngại về một hình thức thống trị kinh tế mới. Điển hình vụ xây hải cảng ở Shri Lanka, Trung Cộng cũng bắt chước tây phương, cũng dụ vào vành đai và con đường, kêu nên xây hải cảng để phát triển xứ này. Muốn phát triển thì phải xây hạ tầng cơ sở từ phía tây để kết nối, biết bao nhiêu tiền. Xây xong tốn gấp mấy lần lúc đầu rồi không có tàu nào cập bến nên Trung Cộng vớt cái hải cảng này, dưới dạng thuê 99 năm để tàu quân sự của họ có thể vào như chơi. Đi ai Cập, georgia, uzbekistan,…mình thấy sự hiện diện của người Tàu rất đông với các chương trình xây cất hạ tầng cơ sở. Họ đem người họ qua, nên trả tiền ở Trung Cộng. Máy móc cũng đem từ Trung Cộng qua. Thế là ngọng, chả có giúp gì cho mấy xứ này phát triển. Nếu họ đêm tiền qua tiêu, mướn người bản xứ làm việc thì có thể trao đổi công nghệ, người bản địa có thêm tiền để phát triển xứ sở. 


3. Can thiệp chính trị và thay đổi chế độ


Bản thân Nkrumah đã bị lật đổ trong một cuộc đảo chính do CIA hậu thuẫn vào năm 1966, minh chứng cho lập luận của ông rằng các cường quốc phương Tây loại bỏ những nhà lãnh đạo châu Phi chống lại chủ nghĩa tân thực dân.

Mấy năm trước đây, họ tuyên truyền ông Zelinsky là anh hùng này nọ, nay họ muốn dẹp nên thông tin đưa ra rất tiêu cực, kêu tham nhũng này nọ. Kiểu khi xưa, họ rao là chế độ Ngô Đình Trị để rào đón dư luận trước khi hạ sát ông Diệm và bào đệ.


Các chiến thuật được sử dụng:

Hỗ trợ phe đối lập và các cuộc đảo chính – Mỹ và các cường quốc thực dân cũ hậu thuẫn các nhà lãnh đạo có lợi cho họ.

Tuyên truyền qua truyền thông – Truyền thông phương Tây thường miêu tả các nhà lãnh đạo châu Phi độc lập là tham nhũng hoặc độc tài để biện minh cho việc lật đổ họ. 

Cấm vận kinh tế – Áp lực tài chính buộc các chính phủ phải tuân theo chính sách phương Tây.


Ví dụ hiện đại:

Thomas Sankara (Burkina Faso, 1987) – Bị ám sát trong một cuộc đảo chính do Pháp hậu thuẫn vì ông thúc đẩy sự tự lực cánh sinh và từ chối viện trợ nước ngoài.

Muammar Gaddafi (Libya, 2011) – Bị NATO lật đổ sau khi thúc đẩy một loại tiền tệ châu Phi độc lập với hệ thống ngân hàng phương Tây.


4. Khai thác tài nguyên: Trọng tâm của chủ nghĩa tân thực dân


Châu Phi sở hữu 30% tài nguyên khoáng sản của thế giới, nhưng người dân vẫn nghèo. Nkrumah coi đây là hậu quả trực tiếp của chủ nghĩa tân thực dân.


Cách thức hoạt động:

Các công ty nước ngoài khai thác tài nguyên mà không tái đầu tư vào nền kinh tế địa phương.

Các chính phủ châu Phi chỉ nhận được một phần nhỏ tiền bản quyền, trong khi các tập đoàn lấy phần lớn lợi nhuận. Nghe nói Nam Phi chỉ nhận được 5% số hột soàn do người Hoà Lan khai thác các mỏ kim cương.

Dòng tiền bất hợp pháp – Lợi nhuận từ tài nguyên châu Phi thường được chuyển đến các thiên đường thuế thay vì tái đầu tư vào phát triển địa phương.


Ví dụ hiện đại:

Ngành dầu mỏ của Nigeria – Shell, ExxonMobil và các công ty nước ngoài kiểm soát việc khai thác dầu. Dù doanh thu hàng tỷ USD, phần lớn người dân Nigeria vẫn sống trong nghèo đói và môi trường bị tàn phá. Về Việt Nam thấy giá xăng dầu rất cao dù Việt Nam có mỏ dầu hoả. Mình đoán chắc không có nhà máy lọc dầu, bán rẻ dầu thô cho người ngoại quốc rồi phải nhập cảng lại.

Cobalt và Coltan ở Congo – Sử dụng trong điện thoại thông minh và xe điện, nhưng công nhân địa phương làm việc trong điều kiện tồi tệ, bao gồm cả lao động trẻ em, trong khi các công ty công nghệ phương Tây thu lợi nhuận khổng lồ.


5. Chủ nghĩa Phi châu: Giải pháp cho chủ nghĩa tân thực dân


Nkrumah tin rằng cách duy nhất để châu Phi thoát khỏi sự thống trị là hợp tác kinh tế và chính trị. Ông kêu gọi:

Liên bang châu Phi – Một chính phủ chung cho toàn bộ châu lục để chống lại sự kiểm soát từ bên ngoài.

Ngân hàng Trung ương và Tiền tệ châu Phi – Để ngăn chặn sự phụ thuộc vào hệ thống tài chính phương Tây.

Công nghiệp hóa – Thay vì xuất khẩu nguyên liệu thô, châu Phi nên sản xuất hàng hóa hoàn chỉnh.


Thách thức hiện nay:

Các nhà lãnh đạo châu Phi vẫn bị chia rẽ, một số ủng hộ phương Tây hoặc Trung Quốc.

Các tổ chức khu vực như Liên minh châu Phi (AU) chưa có quyền lực thực thi mạnh mẽ.

Các khối kinh tế như ECOWAS và Khu vực Thương mại Tự do Lục địa châu Phi (AfCFTA) là những bước tiến triển vọng nhưng vẫn gặp khó khăn.


Chủ nghĩa tân thực dân không chỉ là một khái niệm lịch sử, nó vẫn tiếp tục tồn tại qua sự phụ thuộc vào nợ, khai thác kinh tế, can thiệp chính trị và kiểm soát tài nguyên. Ngày nay, khi tây phương và Hoa Kỳ thấy cuộc chiến Ukraine quá lâu nên đổi thế. Mấy năm trước, truyền thông tây phương kêu ông Zelinsky là anh hùng này nọ, bây giờ họ bắt đầu đánh ông ta tới tấp.


Những bài học quan trọng:

Châu Phi vẫn bị kiểm soát bởi các cường quốc nước ngoài thông qua chính sách kinh tế, tập đoàn đa quốc gia và sự mất cân bằng thương mại.

Sự thao túng chính trị vẫn diễn ra, với các nhà lãnh đạo chống phương Tây thường bị loại bỏ.

Viện trợ nước ngoài và các khoản vay không phải là trung lập, chúng đi kèm với điều kiện có lợi cho nước viện trợ hơn là nước nhận.

Chủ nghĩa Phi châu vẫn cần thiết, nhưng sự chia rẽ nội bộ và áp lực từ bên ngoài cản trở tiến trình. Rất khó để hợp tác vì đa số các lãnh đạo được bầu do tây phương hổ trợ.


Vấn đề là muốn thoát khỏi sự kềm kẹp của tây phương thì họ lại dính vào anh ba tàu. Anh ba tàu lại càng điếm đàng hơn. Mình coi một phim tài liệu về phi châu thì ngày nay có 1 triệu người Tàu sinh sống, làm ruộng ở phi châu. Họ mua đất ở phi châu và mướn dân bản địa làm cho họ, không khác chi thực dân tây ngày xưa. Họ sống biệt lập. Không trả tiền thì họ đòi mướn khu đất 99 năm rồi đem người Tàu sang ở. 99 năm sau, đố mà lấy lại đất khi người Tàu sang sinh đẻ líp ba ga.

Cho nên khi mình nghe mấy ông thần bà thánh kêu gọi dân chủ bú xua la mua tại Việt Nam khiến mình Chán Mớ Đời 


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 

Chuyến đi tìm lại những ân tình


Kỳ này đi chơi rất vui vì ăn tết với gia đình sau 51 năm, nhất là đã có duyên gặp họ hàng mà từ bao nhiêu năm không gặp. Vui là sau 51 cái tết ở hải ngoại, mình được ăn Tết cùng gia đình tại Việt Nam. Tưởng Tết là đi thăm viếng họ hàng, chúc Tết như xưa nhưng thời gian đã thay đổi. 

Tết ngày nay thiên hạ đi chơi xa thay vì thăm viếng hàng xóm, thân hữu như xưa. Nhớ xưa là lấy xe đò đi Tùng Nghĩa thăm người làng của ông cụ và Bảo Lộc để thăm mấy người bà con bên ngoại. Hàng xóm không biết ai là ai vì nhà nào có cũng có cái cổng to đùng hơn cả căn nhà. Không còn nghe tiếng đổ sâm hưởng hay tiếng reo hò bầu cua cá cọp hay xì lác trong các nhà gần bên. Đúng là vật đổi sao dời. Kinh tế khá lên thì người ta có những nhu cầu khác, từ bỏ tục lệ cũ để thay vào những nếp sống, nhu cầu mới của đời sống ở thế kỷ 21. Có người từ xa đến Đà Lạt làm ăn thì về quê, xứ sở của họ. Đi xe thấy nhiều người chở vợ con trên xe máy về quê.


Các cô em từ Pháp và Hoa Kỳ cũng rủ nhau về ăn Tết với đại gia đình. Gia đình mình kéo nhau chạy xuống Nha Trang để ăn mừng Xuân sum họp sau 51 năm. Ăn Tết tại khách sạn trong ba ngày Tết với nhau. Rồi những ngày vui cũng trôi qua, ai về nhà nấy. Có hợp rồi có tan. Có người kêu sao không ở với bà cụ nhiều ngày hơn. Vấn đề mình có vợ đi theo, cũng phải về quê vợ ăn Tết, rồi trên đường về Hoa Kỳ, thì ghé lại vài nơi. Cùng giá tiền máy bay.


Kỳ này về mình may mắn gặp lại một người cậu họ, một ân nhân đã giúp mình đi Tây mà lần chót mình gặp cách đây 58 năm, trước khi cậu đi du học bên Tây. Tương tự mình cũng nhớ ơn một người cậu họ khác, khi xưa mẹ mình, 15 tuổi từ Huế vào Đà Lạt, giúp việc cho gia đình cậu. Cậu thương mẹ mình khi xưa nên khi về thăm Việt Nam năm 1973, cậu nói sẽ giúp du học và tìm học bổng cho mình. Cậu xin học bổng cho mình còn cậu mình gặp tại Đà Lạt, nộp đơn cho mình và được nhận vào đại học Roubaix, ngành kỹ sư dệt. 

Ở tuổi gần 7 bó, mình đã đi qua bên này sườn dốc của cuộc đời, nhìn lại thì không biết bao nhiêu người đã giúp mình trên quãng đường đời đã đi qua. Những ân nhân đã cho mình ăn bữa cơm khi đói thời sinh viên, cho cái áo cái quần cũ ngày xưa, hay những lời khuyên của người lớn để giúp mình lấy quyết định nên vẫn nhớ ơn của họ. Mình giúp những sinh viên nghèo khó ngày nay như để trả ơn những người đã giúp mình khi xưa. Những gia đình Tây đã mời mình ăn cơm vào những dịp Tết hay giáng sinh để mình không cảm thấy cô đơn vì xa nhà. Vì nếu không có sự giúp đỡ của họ, có lẻ mình không được như ngày nay. 


Năm ngoái mình về Paris để cảm ơn bà Cayla 100 tuổi, bà mẹ nuôi anh hùng, đã giúp đỡ mình và các em những ngày đầu đến xứ pháp. Và may mắn gặp lại bà Marco, đã cưu mang tìm việc làm và chỗ ở 3 tháng hè đầu tiên ở xứ người. Rồi qua Ý Đại Lợi gặp lại mấy người bạn sinh viên du học quen khi mình làm việc tại Torino, để cảm ơn họ đã giúp đỡ những ngày tháng xa Paris. Cùng một lứa bên trời lận đận. Đói khát thời sinh viên, chia nhau chút canh, chút cơm, chút gà xào xã ớt,… để cùng nhau nhìn lại quãng đời sinh viên với cây đàn guitar với nổi niềm mất quê hương, mất giấc mơ của tuổi trẻ. Hy vọng năm này sẽ có dịp về lại pháp để gặp lại những ân nhân khác đã về tỉnh nhỏ hưu trí. 

Gặp lại bạn học xưa, con tiệm may Văn Gừng Đà Lạt 
Gặp ông cậu họ cùng tuổi 

Ở Melbourne gặp lại người cậu họ. Mình biết cậu khi ở Đà Lạt nhưng cậu không biết mình, cùng tuổi. Mình học chung với hai người chị của cậu. Cậu kể là rất quý mẹ mình vì khi xưa ở Đà Lạt mẹ mình đều vào nhà bất cứ có chuyện gì như cúng giỗ hay đám tang của ôn mệ. Có lẻ mình hưởng được cái đức của mẹ mình nên về già có cuộc sống thoải mái. 


Hôm qua mình có gặp lại một người dì họ chưa gặp lại từ ngày mình đi Tây. Khi 15 tuổi mẹ mình được mẹ của dì đưa vào Đà Lạt, giúp việc rồi sau này gả chồng, con như con cháu trong nhà. Anh của dì là người tìm học bổng cho mình đi học ở pháp. Dì kể là nhờ mẹ mình mà gia đình dì được sum họp tại Úc châu. Ông dượng là dược sĩ làm trong bệnh viện của trường võ bị. Sau 75 đi học tập, không có hộ khẩu nên cù bơ cù Bấc ở Sàigòn. Vượt biên bị lừa nhiều lần đến khi em mình đi thì mẹ mình báo. Lúc đầu cũng sợ nhưng tin mẹ mình nên đến bờ mới đánh điện để nhà trả vàng cho chủ tàu. 

 kể may là anh của dì ở pháp hưởng dương sớm nếu không đi pháp, chắc nay khổ, không sung túc như cuộc sống ở Úc Đại Lợi. Nhớ hồi nhỏ, có hè dì dạy hè mình. Dì kể người quen hỏi thằng Sơn đen là ai mà biết nhiều về Đà Lạt. Dì kêu cháu tui đó. Gặp nhau có mấy tiếng đồng hồ sau 51 năm xa cách nay cả hai dì cháu đều già. Dì kêu răng mi cao hơn dì. Dì nhớ thời mình học hè năm 8 ème. Dì cũng hay gọi điện thoại về Đà Lạt hỏi thăm mẹ mình kể chuyện đời xưa. Sau 75 gia đình ai cũng ly tán khắp nơi trên địa cầu. Về già chỉ nói chuyện qua Internet. 


Có hình ảnh khác như mỗi lần về Việt Nam. Đó là viếng thăm nhà thờ ở quê và viếng mộ ông cụ và mấy người em vắn số. Cả gia đình họp mặt ở mộ chung gia đình, hương khói bốc lên. Có ghé thăm mộ bạn nối khố của ông cụ để thắp hương. Người đã cùng ông cụ vào sinh ra tử trong quân đội, sau này đi tù cải tạo cùng ngày và về cùng ngày. 


Ra Huế thì được viếng nhà thờ tộc bên ông ngoại mình ở làng Dưỡng Mong, bên mệ ngoại mình ở làng An Lưu. Rồi ghé về Ao Hồ quê ngoại của vợ. Về Sàigòn gặp được mấy người em họ bên ông ngoại mà chưa bao giờ biết mặt. Mình chỉ nhớ bố mẹ của họ khi xưa về Bảo Lộc. Sau 75 thì đồn điền trà bị tịch thu nên ai cũng về Sàigòn kiếm sống. Mấy lần trước về mình có gặp một vài người nay thì gần như cả họ. Gặp nhau thấy có gì rất gần gũi dù lần đầu gặp nhau như mẹ mình nói giọt máu đào còn hơn ao nước lã. Hy vọng những lần tới sẽ gặp lại họ hàng đông hơn. 

Đến Úc đại lợi chơi, may mắn lại gặp những người qua mạng xã hội. Họ chở đi chơi viếng các bơi chỉ có thổ công biết. Chụp với nhau vài tấm ảnh kỷ niệm của những ân tình của người Việt xa cố hương gặp nhau trên xứ người. 

Chuyến đi rất may mắn và vui. Như đồng chí gái kêu; đầu năm được đi chơi và ăn ngon. Hy vọng cả năm đều được như vậy. 


Máy bay sắp hạ cánh, trở về cuộc đời nông dân. Hái bơ trả nợ. Xong om


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 


Nguyễn Hoàng Sơn